Saturday, December 10, 2011

Những nguyên nhân tạo bất hòa trong gia đình

Đức Phật dạy rằng mọi tranh đấu đều vì bản ngã. Thật vậy, thế gian ai cũng thấy mình là quan trọng và chỉ biết có mình, đó là một phần thể hiện của bản ngã.

Trong đời sống gia đình cũng vậy, chính vì bản ngã mà sinh ra bất hòa, mâu thuẫn, tranh đấu dẫn đến mất hạnh phúc. Trong đời sống gia đình, cái bản ngã ấy thể hiện qua:

1. Tính độc đoán, bảo thủ cố chấp:

a) Độc đoán là tự ý riêng mình định đoạt, chuyên chế. 

Người độc đoán tự mình quyết định mọi công việc, không quan tâm đến ý kiến của người khác, chỉ muốn mọi người nghe theo mình, làm theo mình mà không cần phải suy nghĩ.

Thái độ và hành vi độc đoán rất cục bộ dễ mắc phải sai lầm, khiếm khuyết. Đây là thái độ bất công, không đúng tinh thần "tự do dân chủ", và thiếu tôn trọng, khiến người khác bất mãn, chán ghét.

Độc đoán là thái độ, hành vi không đúng đắn, vì nó không phù hợp với quy luật, lẽ phải và đạo lý, nó chỉ có tác hại mà không có lợi ích, nó dẫn đến sự mất đoàn kết, mất hòa hợp và không công bằng dân chủ.

Chúng ta thấy rõ điều này, đôi khi người có trình độ học thức lại không có kinh nghiệm thực tiễn, đôi khi người có kinh nghiệm thực tiễn nhưng lại không có kiến thức căn bản. Hai đối tượng này có thể bổ sung cho nhau. Mọi người ai cũng có suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình, ai cũng có một trình độ nhận thức nhất định, do đó không thể bắt buộc người khác suy nghĩ và hành động theo ý mình. Vì thế cho nên độc đoán là một thái độ không đúng đắn.

Trong gia đình, ông bà cha mẹ thường cho rằng con cái còn non dại, thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết. Điều đó đúng vì con cái còn ít tuổi, chưa từng trải việc đời, chưa có kinh nghiệm, vốn sống. Nhưng đến lúc con cái đã trưởng thành mà người lớn vẫn giữ thái độ đó thì không đúng lắm. Khi con cái đã lớn khôn mà cha mẹ cứ xem như còn bé, cứ giành lấy quyền quyết định mọi việc, từ việc chung cho đến việc riêng tư thì không ổn, tất sẽ có vấn đề xảy ra trong quan hệ tình cảm gia đình, dù rằng đó là tình thương cha mẹ dành cho con cái. Hiện tượng thường thấy nhất là cha mẹ áp đặt con cái trong vấn đề hôn nhân, điều này đã dẫn đến những hậu quả không hay. Hoặc khi cha mẹ can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái khi con cái đã tạo lập gia đình cũng dẫn đến kết quả không tốt.

Cuộc đời vốn có quy luật và đạo lý của nó, dù chúng ta có nghĩa vụ và quyền lực gì đi nữa cũng không thể áp đặt lên kẻ khác. Khi con người có việc làm không phù hợp đạo lý, trái quy luật thường có những biện hộ rằng vì nghĩa vụ hay bổn phận, hoặc vì mình có cái quyền làm chủ như thế. Tuy nhiên, cho dù là luân lý, đạo đức nhưng trái với quy luật phát triển: không hợp tình người, không mang lại lợi ích gì cho con người, thì thứ luân lý, đạo đức đó chỉ là ngụy biện.

b) Cố chấp, bảo thủ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bất hòa, tranh đấu

Tính cố chấp, bảo thủ khiến con người trở nên ích kỷ, hẹp hòi và thiển cận, thiếu sáng suốt, đồng thời làm ngăn trở công việc. Con người cố chấp bảo thủ những gì? Ý kiến, quan điểm nhận thức, phong tục tập quán, luân lý đạo đức v.v... đó là những thứ con người thường nắm giữ, bảo vệ... kéo theo suy nghĩ, hành động sai lầm, lệch lạc có hại cho mình, cho người khác hoặc cho tất cả mọi người, nhưng vẫn cố chấp không khắc phục, sửa đổi, đó là tính bảo thủ, cố chấp.

Có những phong tục tập quán cổ hủ lỗi thời, lạc hậu làm trì trệ sự phát triển tư tưởng nhận thức, ngăn trở sự tiến bộ của xã hội nhưng không xóa bỏ, hoặc không sửa đổi, cải tiến, như thế là bảo thủ, cố chấp.

Trong gia đình, có thể ông bà cha mẹ bảo thủ, cố chấp khi cư xử với con cái vì nghĩ mình là người lớn, người đi trước có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời. Nhưng họ quên rằng tư tưởng, nhận thức cũng có những thay đổi theo thời gian, thời đại của con cái họ sinh ra và lớn lên không phải là thời của họ, vì thế cách nghĩ, cách sống của con cái không thể giống hoàn toàn như ông bà cha mẹ chúng. Nếu bậc ông bà cha mẹ cứ cố chấp muốn con cái sống theo ý mình là điều không thể thực hiện được. Tuy nhiên, ở ông bà cha mẹ cũng có nhiều điều để con cái học hỏi và noi theo. Nếu con cái hồ đồ, cứ khăng khăng cho rằng những lời dạy của người đi trước là cổ hủ, lạc hậu thì đó là thái độ sai lầm, vì ở người đi trước là cả một kho tàng kinh nghiệm. Trẻ và già giống như hai thái cực, nhưng không thể thiếu một trong hai.

Trong đời sống gia đình, có người biết mình sai quấy nhưng vẫn cố bào chữa, biện hộ, không thừa nhận là mình sai, không sửa đổi, thậm chí bắt người khác chấp nhận cái sai đó. Thế là diễn ra tranh cãi, giận hờn, thậm chí oán ghét nhau. Nếu thay vào đó là lời xin lỗi nhận khuyết điểm, hoặc thể hiện thiện chí sửa đổi thì không dẫn đến bất hòa.

2. Tính ích kỷ, hẹp hòi:

Chỉ biết có mình, vì lợi ích cho riêng mình, không quan tâm đến lợi ích và sự an nguy của người khác, đó là tính ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân.

Người ích kỷ thì tâm địa cũng hẹp hòi, không rộng rãi trong cách nhìn, cách cư xử. Tính ích kỷ, hẹp hòi khiến cho con người sống không hữu ích đối với gia đình và xã hội. Người có tính ích kỷ chỉ biết sống cho mình và không bao giờ dám hy sinh vì người khác, thậm chí không có sự quan tâm san sẻ đối với cộng đồng, họ lấy lợi ích của cá nhân mình đặt lên trên lợi ích của người khác, đặt lên trên lợi ích của cộng đồng xã hội.

Trong một gia đình, vì quyền lợi mà vợ chồng tranh chấp, anh em tàn hại lẫn nhau chẳng nghĩ đến tình cảm gia đình, bất chấp đạo lý đều do lòng tham lam ích kỷ. Đó là vì quyền lợi. Còn trong quan hệ tình cảm, người không có tâm độ lượng, lòng dạ hẹp hòi, chỉ vì một câu nói hơn thua cũng có thể gây nên sóng gió.

3. Lòng tự tôn, tâm sân hận:

Lòng tự tôn cũng khiến cho con người ta mù quáng, tự thấy mình là quan trọng, là trên hết, từ đó sinh kiêu căng và tỏ ra khinh thường người khác. Đối với người khác chỉ muốn hơn chứ không muốn thua kém dù ở bất kỳ phương diện nào. Người có lòng tự tôn, dù mình dở cũng cho là giỏi, mình sai cũng cho mình là đúng, mình kém cũng cho mình là hơn... Hễ ai chạm đến lòng tự tôn thì không được.

Rốt cuộc cũng chỉ là tự mình dối gạt mình, nhưng hậu quả là gây hiềm khích, bất hòa với mọi người. 

Trong một gia đình, nếu chỉ chú trọng tranh chấp hơn thua, sống không hòa thuận, yêu thương nhau thì gia đình không hạnh phúc, không bền vững.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment