Sunday, February 17, 2013

Nhà đầu tư, anh là ai...?

Cần đắn đo một chút trước khi là cổ đông
Có lẽ cần phải nói thật sớm rằng khi mua cổ phần công ty hoặc tại thị trường chứng khoán TTCK là ta đã bỏ vốn ra làm ăn chứ không phải bỏ ống hay gửi tiết kiệm. Chuyện tưởng đơn giản như thế mà hiện nay - và biết đâu sẽ còn lâu nữa - nhiều công ty đã cổ phần hóa đang phải nhức đầu... Bối cảnh có thể là những người lao động, tay làm hàm nhai, ki cóp những đồng bạc dành dụm khó khăn đi mua cổ phần công ty. Cũng có thể đó là những người khá hơn, chỉ vì suy nghĩ quá đơn giản nên đã đinh ninh rằng sở hữu công ty rồi là bảnh lắm, cứ “tới kỳ là có bánh mì”... Nhưng có trường hợp đã tới mấy kỳ mà chẳng thấy “bánh mì” ! Công ty vừa cổ phần hóa xong thì khủng hoảng khu vực ập đến. Kết quả cân đối âm, đành phải cắn vào đuôi mà tồn tại, lấy lời đâu để mà chia ? Bức bách quá quý vị ấy bán cổ phần đi. Lại gặp ê chề, chấp nhận bán lỗ cũng không phải dễ tìm được người mua. Thế là tàn một giấc mơ ?... Chưa chắc. Hãy đợi đấy...
Tự biết mình
Nếu ta tạm quên TTCK - hoặc giả sử cơ chế thị trường này còn lâu mới thành hiện thực - thì hành động mua cổ phần chẳng khác nào một quyết định hùn hạp kinh doanh. Do đó phải tính tới yếu tố lời ăn lỗ chịu. Liệu cơm gắp mắm hoặc lượng sức mình là điều cần thiết. Mua cổ phần là tham gia vào loại hình hoạt động kinh tế thứ ba của thị trường - loại thứ nhất là tư doanh sole proprietorship; loại thứ hai là hợp danh partnership và loại thứ ba là công ty hợp vốn corporation. Đó là một loại hình làm ăn dài hơi và đầy biến động, có khi bất trắc không chừng. Quyền định đoạt của người tham gia sau khi bỏ đồng vốn vào đó có khi chỉ còn một phần triệu hay nhỏ hơn. Điều này gần đồng nghĩa với khả năng bị lệ thuộc hay mất quyền tự chủ - cho đến khi nào chưa có một TTCK hữu hiệu.
Sẽ chẳng quá đáng nếu nói mua cổ phần công ty là để mong khấm khá hơn chứ không phải để kiếm sống. Vậy thì phải biết mình là ai ? Làm buổi sáng đong gạo buổi chiều, nuôi con nhỏ mẹ già, chuẩn bị cho một chương trình đại học, sắp lập gia đình, xây nhà, về hưu... nay mai sẽ cần một khoản tiền nhất định, thì hãy cân nhắc trước khi mua cổ phần. Ngoại trừ trường hợp ưu đãi cấp không, việc giảm giá vài chục phần trăm cũng đừng nên vội, đừng vội... Đôi khi hỏng chuyện ngay ở chỗ tiếc của rẻ này. Việc mua hàng giảm giá đó có thể chẳng có ý nghĩa gì nếu chỉ vì do ta bị cuốn vào chứ không phải do một quá trình tính toán và quyết định.
Nhu cầu nào mua loại đó
Tiền đầu tư vào cổ phần phải là tiền dư của để. Đó là món tiền cần thiết phải được quản lý một cách hiệu quả để kiếm cửa sinh lời. Lượng tiền này không dùng cho các nhu cầu sinh sống cơ bản và cũng không nằm trong kế hoạch sử dụng ngắn hạn. Thể trạng tâm lý vững vàng và một khả năng nhận thức tối thiểu về kinh tế là những yêu cầu cần thiết. Bởi vì không thể có chuyện “bắt đền” khi có một sự trì trệ hoặc thậm chí mất trắng xảy ra. Nếu ta không được như vậy thì tốt nhất nên chọn một cách đầu tư khác dựa vào thế thủ - từ vừa vừa cho tới gần như chắc cú - đó là mua cổ phần ưu đãi, mua trái phiếu nhà nước, trái phiếu đô thị, trái phiếu công ty hoặc gửi tiết kiệm. Cách đầu tư sau an toàn hơn, bảo đảm tới kỳ là có lãi để chi dùng và định được thời gian lấy vốn ra. Ngoại trừ cổ phần ưu đãi thì không được vì đây là dạng đã dấn thân vào sân chơi nhưng còn “thủ cẳng” không chịu thắng thua mà chỉ muốn “lấy xâu”. Ở đây quy luật thị trường thể hiện rất rõ, rủi ro ít nhận được lợi ít và ngược lại. Rủi ro trong đầu tư không nên được hiểu theo nghĩa “liều” thông thường, mà phải được quan niệm là sự suy tính xa hoặc, dễ hiểu hơn, đó chính là sự mạo hiểm.
Riêng trong TTCK, một nguyên tắc hành xử bắt buộc, mà các thành viên chuyên nghiệp phải tuân thủ, đó là phải điều tra thật kỹ lưỡng tình trạng nhân thân, tình hình tài chính, nhu cầu của người đầu tư trước khi mở tài khoản cho họ mua chứng khoán. Nhà môi giới và kinh doanh chứng khoán nào không trưng ra được bằng chứng là mình đã thực hành tận tụy thủ tục này sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
Thuộc bài rủi ro
Gọi là đầu tư nghĩa là đã chơi trò chơi trí tuệ. Nhưng thói thường, khi say sưa nghĩ đến chiến thắng người ta dễ rơi vào trạng thái mất cảnh giác. Họ quên rằng tài thao lược của họ, hoặc ngay cả của các chuyên gia cố vấn cho họ, có thể bị “vô hiệu” bất cứ lúc nào tại hàng chục cửa ải, và nếu rủi ro xuất hiện thì chí nguy. Tốt hơn người đầu tư cần nằm lòng càng nhiều rủi ro sau đây càng tốt.
Những rủi ro đã được “điểm mặt” gổm: rủi ro lạm phát làm giảm giá một chứng khoán. Rủi ro bị cụt vốn do tai họa ập đến cho doanh nghiệp phát hành. Rủi ro vì  chọn sai do hời hợt chủ quan hoặc thông tin sai lệch. Rủi ro sai thời điểm bán hoặc mua bất lợi ở các ngưỡng biến động. Rủi ro về lãi suất xảy ra khi lãi suất thị trường tăng làm giá trái phiếu giảm. Rủi ro thị trường biến động có thể xảy đến với người đầu tư ngắn hạn. Rủi ro về tài chính do bản thân doanh nghiệp phát hành làm ăn thất bại. Rủi ro về khả năng thanh khoản do không bán được chứng khoán tại thời điểm theo ý mình. Rủi ro pháp chế là sự bất lợi tác động lên giá chứng khoán khi có sự thay đỗi về luật lệ. Nếu có dịp chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn. Ngoài ra còn có loại rủi ro do ảnh hưởng dây chuyền và lây lan như khủng hoảng, sự kém hiệu quả cố hữu của thị trường... cũng cần biết đến.
Một thực tế có tính đúc kết là mua cổ phiếu của công ty vào thời điểm TTCK chuẩn bị ra đời - ví dụ thời điểm hiện nay tại Việt Nam - thường rất dễ thắng. Bởi vì trong giai đoạn này chứng khoán ít, trong khi lượng cầu chứng khoán sẽ gia tăng liên tục trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên người mua phải đủ sức cầm cự trong một thời gian có thể dài. Những biến động bất lợi đoản kỳ chưa phải là chiều hướng xác quyết của một loại cổ phiếu nào đó. Như đã phân tích loại rủi ro do chọn sai thời điểm - ví dụ cần tiền bán quá sớm - có thể gây thiệt hại đáng kể. Vậy ta tạm mượn “niệm khúc” của dân “xòe” để ví von minh họa : “cờ bạc ăn về sáng” là vậy.
Mua cổ phần là một hoạt động đầu tư trực tiếp. Đó là kết quả của một chuỗi tìm hiểu, cân nhắc và suy tính, gồm cả động tác sờ lại túi mình. Không nên quyết định như đi mua trứng cút. Ai muốn “cho khỏe” thì đi gửi tiết kiệm. Hoặc có máu đầu tư mà ghét suy nghĩ “rắc rối quá” thì nên nhờ đến các nhà phân tích và cố vấn đầu tư. Và hãy thử, ngay trong đợt cổ phần hóa này, quý vị tham khảo xem sẽ quyết định thế nào để có dịp sử dụng những đồng tiền còn ướt mồ hôi của mình một cách hiệu quả nhất. 
Viết bởi: Hyo_Bin

No comments:

Post a Comment