Sunday, February 17, 2013

Ra lệnh mua bán chứng khoán

Các lệnh mua hay bán
Phối hợp năm yếu tố là cách trả tiền, cách mua bán, có chứng khoán trong tay hay không, sự lên xuống của giá cả theo thời gian, và thời gian hiệu lực của lệnh mua bán; bạn có thể chọn các lệnh mua bán khác nhau khi thấy giá sẽ lên xuống như thế nào đó. Vậy là bạn có thể chọn cách mua bán dễ hay khó.
Thí dụ, là dân mới tham gia TTCK chưa có kinh nghiệm, bạn sẽ nghe lời khuyên của Công ty môi giới CTMG để bán hay mua, cách này là dễ nhất, bạn sẽ mua hay bán theo cách "mua bán theo thời giá" market order, nghĩa là giá ở thị trường có sao thì mua hay bán như vậy. Lệnh bạn ra cho CTMG sẽ là : "Bán hay mua cho tôi 100 cổ phần của công ty ABC, với giá hời nhất mà ông có thể mặc cả".
Về sau, có kinh nghiệm hơn, đoán được giá lên hay xuống, bắt đầu muốn kiếm lời khi mua bán, bạn sẽ chọn một trong những cách mua bán khó hơn nằm trong bốn loại "lệnh có định giá" limit order là :
1. Mua có ra giá buy limit order
2. Bán có ra giá sell limit order
3. Bán khi giá tụt xuống đến mức ấn định sell stop order
4.  Mua khi giá lên đến mức ấn định buy stop order
Mục đích của bốn lệnh này là giúp bạn kiếm lời và giảm lỗ khi mua bán. Lệnh 1 và 4 dành cho người chưa có chứng khoán trong tay. Hai lệnh kia dành cho người có chứng khoán. 
Mua có ra giá
Bạn dùng lệnh này khi không có chứng khoán trong tay mà nghĩ là giá sẽ xuống rồi lên. Thí dụ, chứng khoán của công ty ABC hiện đang là 35 USD một cổ phần. Bạn chưa có cái nào, nhưng đoán là giá sẽ xuống 32 USD trong vòng một, hai tuần nữa, rồi sau đó lên lại. Muốn thủ lợi, bạn bèn điện thoại cho CTMG rằng : "Mua cho tôi 1.000 cổ phần của ABC khi nào nó ở giá 32 USD ; cứ chờ cho đến giá đó, bao giờ tôi bảo ngưng thì thôi". Phần sau của câu nói là hiệu lực thời gian của lệnh bạn ra. Vậy, khi giá cổ phần của ABC xuống 32 USD thì người môi giới sẽ mua cho bạn. Cái rủi của lệnh này là nếu giá không xuống đến mức đó thì bạn sẽ không mua được. Không ai ra lệnh "mua có ra giá" mà lại cho giá cao hơn thời giá, vì chứng khoán sẽ được mua ngay.  
Bán có ra giá
Trái với trường hợp trên, bạn có chứng khoán trong tay và muốn bán nó đi khi nghĩ nó sẽ lên giá. Thí dụ, đang có 100 cổ phần của công ty XYZ, giá hiện nay của nó là 37 USD mỗi cổ phần ; đoán là trong vài ngày nữa nó có thể lên đến 40 USD ; muốn có cơ hội kiếm lời, bạn gọi CTMG và bảo : "Bán cho tôi 100 cổ phần của XYZ khi giá lên 39 USD ; cứ chờ bán cho đến khi tôi bảo thôi". Khi giá lên đến 39 USD người môi giới sẽ bán. Nếu không tới giá đó thì bạn sẽ không bán được. Cái khó của việc mua bán có ra giá là định được cái giá nào mà không cách xa giá thị trường quá.  
Bán khi giá tụt xuống đến mức ấn định
Bạn đang cầm chứng khoán của công ty ABC, nó đang lên giá vùn vụt. Tuần trước, lúc mua 200 cổ phần, mỗi cái giá có 35 USD. Tuần này nó lên 50 USD. Tự nhiên bạn lời 15 USD x 200 =  3.000 USD. Hết sẩy ! Ôm món tiền to kiểu đó, bạn sẽ lo giá nó xuống. Vậy bạn sẽ đề phòng bằng cách gọi cho CTMG : "Lúc nào giá của ABC xuống 49 USD thì bán đi cho tôi". Nếu giá xuống 49 USD thì chứng khoán của bạn sẽ được bán. Bạn giới hạn sự mất mát của mình trong 200 USD, mỗi cổ phần mất một đồng.  
Mua khi giá lên đến mức ấn định
Lệnh này chỉ được dùng khi bạn đã mượn hàng để giao sell short. Như đã biết, khi đã mượn hàng để bán thì bạn cầu cho giá cứ xuống mãi. Chẳng hạn, khi giá cổ phần của XYZ là 50 USD, bạn đã mượn 100 cái để bán. Bây giờ giá kia đã tụt còn 34 USD. Vậy bạn đang có lời 1.600 USD. Lời to nên bạn sợ lỗ nếu giá sẽ lên lại. Bạn sẽ che chắn cho mình bằng cách gọi CTMG : "Lúc nào giá nó lên lại là 35 USD thì mua cho tôi 100 phần". Khi giá lên đến mức đó người môi giới sẽ mua. Lúc ấy so với mức lời hiện nay, bạn chỉ lỗ 100 USD ; tức là còn lời 1.500 USD. Tất nhiên nếu giá không lên lại 35 USD thì lệnh sẽ không được thực hiện. Nếu thế lại càng hay, vì các lệnh có định giá nhằm bảo đảm số lời bạn đang có khi giá cả lên xuống trái ngược với sự mong đợi của bạn.
Mua theo cách này cũng có cái nguy là khi mà có nhiều người cùng ấn định cái giá bạn định, thì vào lúc có giá đó, nhiều người cùng mua khiến giá vọt lên ; lệnh vẫn được thực hiện nhưng không chắc là bạn mua được với cái giá kia mà phải cao hơn.  
Ưu tiên thi hành lệnh
Lệnh có cái đến trước cái đến sau, lúc đó không có vấn đề ; nhưng nếu chúng đến cùng một lúc thì người môi giới phải có cách giải quyết. Cách đó là :
- Khi hai lệnh có giá trị mua hay bán bằng nhau, thì cái nào đến trước sẽ được thi hành trước.
- Khi hai cái đến cùng một lúc mà ngang giá nhau, thì cái nào có số lượng mua bán lớn hơn sẽ được làm.
- Nếu cả hai giống nhau về mọi mặt, lúc đó người môi giới sẽ chọn bằng cách tung đồng xu sấp ngửa.
Thường thường số lượng đặt mua phải theo từng lố 100 cổ phần một lần, gọi là mua bán theo lố chẵn round numbers. Nếu mua ít hơn, từ 1-99 là mua theo lố lẻ odd lot. Khi mua bán theo lố lẻ, bạn phải trả thêm phí sai biệt ngoài tiền hoa hồng cho người môi giới phụ trách mua bán lẻ.  
Hiệu lực thời gian của lệnh
Khi nhận lệnh, người môi giới sẽ ngưng thi hành theo hạn kỳ sau :
- Có hiệu lực cho đến cuối tuần good through the week
- Có hiệu lực cho đến cuối tháng good through the month
- Có hiệu lực cho đến khi báo thôi good ’til canceled
Nếu bạn không định một trong các thời gian trên, lệnh sẽ hết hiệu lực vào cuối phiên mua bán mỗi ngày.
Khi mua bán xong, người đầu tư sẽ thanh toán giao hàng và thu tiền nếu bán, trả tiền nếu mua với các CTMG. Thời gian thanh toán là năm ngày sau khi giao dịch. Các CTMG có bảy ngày để thanh toán với nhau.
Viết bởi: Hyo_Bin

No comments:

Post a Comment