Tuesday, April 23, 2013

Bị điểm kém vì tả bà ngoại quá giống

Bài văn tả bà khác với lối tư duy thông thường của em học sinh tiểu học cùng lời phê của cô giáo, đại khái 'Đã bà là phải rụng răng/ Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời'... không khỏi khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ.
“Con gái tôi học lớp 3. Một hôm, kiểm tra bài vở của con thì phát hiện một bài tập làm văn bị điểm 4 với lời phê ‘thiếu thực tế’. Đề bài như sau: “Kể về một người thân mà em yêu quý nhất”. Con gái kể về bà ngoại đại khái. Bà ngoại em có mái tóc tém nhuộm màu vàng. Hàng ngày bà mặc váy ngắn, mang giày cao gót, đi làm trên chiếc xe máy tay ga…

Thật ra thì con gái tôi tả không sai tí nào. Mẹ tôi sinh con gái đầu lòng năm 20 tuổi. Tôi sinh con gái đầu lòng năm 25 tuổi. Hàng ngày, mẹ tôi vẫn đi làm ở công sở và vẫn còn khỏe mạnh, yêu đời… Tóc ngắn nhuộm vàng, váy ngắn tới đầu gối hay giày cao gót là chuyện thường ngày của mẹ. Mà không chỉ riêng mẹ tôi đâu, tôi thấy rất nhiều bà ngoại trẻ bây giờ đều thế cả.



Con gái ấm ức kể với tôi rằng: Cô giáo bảo tả về bà ngoại như thế là thiếu thực tế, không đúng với hướng dẫn. Bà ngoại phải là tóc dài bạc trắng búi sau gáy chứ không phải tóc tém nhuộm vàng. Bà ngoại đi xe đạp hay đi bộ chứ làm sao cưỡi được xe máy tay ga. Bà ngoại mặc đồ bộ và mang dép hay guốc chứ không phải váy ngắn tới đầu gối và giày cao gót… Nói xong, con gái tôi kết luận: Con thấy theo như lời cô giáo tả thì giống bà cố nhà mình hơn là bà ngoại mẹ nhỉ…".,

Từ những chia sẻ trên của bạn Thu Hiền, bạn Hiếu Orion sáng tác hẳn một bài thơ vô cùng hài hước:

Bà ngoại em vẫn chưa già

Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường

Mắt bà vẫn rất tinh tường

Tóc nhuộm ánh tím, soi gương mỗi ngày

Nhưng bà em vẫn rất hay

Bà chăm con cháu luôn tay, luôn mồm

Công việc bà vẫn ôm đồm

Chăm lo con cháu sớm hôm không nề

Hôm nay cô giáo ra đề

Bắt em phải tả, viết về bà em

Em tả giống hệt bên trên

Cô bắt viết lại, mắng thêm em rằng:

Đã bà là phải rụng răng   

Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời

Bà cũng không được ăn chơi

Vì mắt phải kém và môi nhai trầu

Đã bà là phải ngồi khâu

Không được ngồi hát Ka Râu Ô Kề

Nhất là không được ghi đề

Tuyệt đối không được phóng xe ào ào

Em nghe chẳng hiểu thế nào

Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này

Tả sai thì lại không hay

Tả đúng thì lại có ngày ăn roi

Kiểu này phải bảo mẹ thôi

Hay đổi bà khác đúng lời của cô???”

Sự đối lập của người bà ngoài đời thực và trong văn mẫu khiến tôi tự hỏi: Cô hay trò mới là người thiếu thực tế? Trò thấy bà ngoại thế nào thì tả thế ấy nhưng cô lại không đồng tình vì bài văn lệch chuẩn. Tại sao nhiều thầy cô thích biến học sinh thành cỗ máy "xào" và chép văn mẫu như thế?

“Tôi nhớ ngày còn học tiểu học (lớp 3, lớp 4 gì đó), cô giáo tôi có ra đề văn tả cô giáo. Thực tế, cô giáo chủ nhiệm lớp tôi đã gần 40 tuổi, da ngăm đen, hơi béo, khá khó tính và hay quát, đánh, cốc đầu học sinh nhưng không học sinh nào dám tả cô như thế bởi cô bảo phải tả cô giáo thon thả, trắng trẻo, tóc dài và dịu dàng…”, độc giả có nickname penamlun chia sẻ.

Phương pháp giáo dục theo lối mòn, đặc biệt là đối với bộ môn cần đến sự sáng tạo và cảm nhận phong phú như môn văn có hạn chế sự phát triển của trẻ? Cách dạy văn “kiểu công thức”, dù vô tình như trong trường hợp trên đã không chỉ "triệt tiêu" tình yêu văn chương trong tâm hồn trẻ thơ mà nhìn ở góc độ đạo đức, còn là nói sai sự thật, giống như một việc làm “bịa đặt”.

Liệu rằng nay mai, khi nhận được đề văn tả ông nội, có trẻ nào bám theo sườn văn mẫu mà tả rằng: nhà em có nuôi một ông nội. Từ ngày có ông, bọn trộm không dám bén mảng. Thỉnh thoảng, em dắt ông nội ra công viên chơi, thích thú là ông nội lại nhảy cẫng lên...
Theo Khám Phá

No comments:

Post a Comment